Trải qua 8 tháng cùng Sáng tạo trẻ 2022, Quán quân của cuộc thi năm nay gọi tên đội THE F.I.R.S.T với đề án Tàu USV tự hành thông minh!
Vòng Chung kết Sáng tạo trẻ 2022 vừa diễn vào ngày 4/3 tại Hội trường C2 Bách khoa Hà Nội với sự tham gia của 5 đề tài vô cùng độc đáo và ý nghĩa. Với chủ đề “Sáng tạo vì Cuộc sống” (Smart up for life), cuộc thi năm nay hướng tới các sản phẩm ứng dụng có khả năng khởi nghiệp phục vụ cho cuộc sống như giao thông, giáo dục, môi trường, biển đảo, công nghiệp, nông nghiệp, y tế…
Hướng đến việc hỗ trợ tốt nhất phát triển và hiện thực hoá các sản phẩm sáng tạo khoa học kỹ thuật hữu ích cho cuộc sống, có định hướng khởi nghiệp, cuộc thi đưa ra các tiêu chí về Mục tiêu, Tính mới/tính sáng tạo, Tính khả thi kỹ thuật, Tính khả thi kinh doanh và Nguồn lực thực hiện.
Trong Vòng Chung kết, mỗi nhóm tham gia cần nhấn mạnh đến sự cần thiết của sản phẩm, dịch vụ đối với nhu cầu khách hàng, cộng đồng và xã hội; nghiên cứu thị trường, phân khúc khách hàng; công nghệ sáng tạo, độc đáo cùng tính khả thi của sản phẩm.
Trải qua các phần trình bày và demo sản phẩm đầy thử thách và gay cấn, đội giành vị trí cao nhất trong cuộc thi năm nay là đội THE FIRST với 5 thành viên Nguyễn Xuân Dũng, Văn Đình Hoàng, Võ Trung Kiên, Cao Thị Quỳnh Trâm, Đặng Văn Hoài của nhóm The F.I.R.S.T đến từ Lab “Động lực học và điều khiển”, Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội.
“Mọi phát minh khoa học công nghệ đều xuất phát từ đời sống”, Quỳnh Trâm mở đầu trong phần thuyết trình của đội mình trong cuộc thi. Xuất phát từ thực tế 31 triệu người Việt Nam hiện nay không được tiếp xúc với nguồn nước sạch, The F.I.R.S.T chế tạo sản phẩm “Tàu USV tự hành thông minh”, giúp khảo sát địa hình lòng sông hồ và quản lý chất lượng môi trường nước trên phạm vi rộng.
Sản phẩm được các thành viên nghiên cứu rất kỹ lưỡng trong việc đưa ra định hướng phát triển tối ưu nhất trên thị trường, đảm bảo an toàn cho người sử dụng, đồng thời giúp tiết kiệm chi phí và nguồn nhân lực.
Các thành viên The F.I.R.S.T từng gặp khá nhiều khó khăn trong nhiều công đoạn từ thiết kế, chế tạo cơ khí, tới chế tạo mạch điện tử, lập trình nhúng và lập trình giao diện người dùng. Việc nghiên cứu thị trường cũng là một khó khăn lớn bởi đây không phải sản phẩm quen thuộc nhưng có tệp khách hàng mang tính đặc thù cao.
“Chúng tôi cảm thấy biết ơn vì tham gia Sáng tạo trẻ khiến bản thân trưởng thành hơn trong quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Đội The F.I.R.S.T hi vọng có thể hoàn thiện và đưa tàu USV ra thị trường vào năm 2025”, đại diện đội thi trả lời phỏng vấn bên lề cuộc thi.
Phát biểu trong sự kiện, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS. Huỳnh Đăng Chính, cho biết: “Chủ trương của Bách khoa Hà Nội là lấy sáng tạo là động lực cho quá trình học tập và rèn luyện của sinh viên, là nền tảng của khởi nghiệp với nòng cốt nghiên cứu khoa học”.
Số lượng đề tài nghiên cứu gắn liền với xã hội của sinh viên Bách khoa Hà Nội ngày càng tăng, trung bình trên 100 sản phẩm/năm. Theo ông, khích lệ tính sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên sẽ tạo ra những sản phẩm có ích cho cộng đồng, kết nối với doanh nghiệp và quốc tế.
Cuộc thi Sáng tạo trẻ là một ví dụ sinh động trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Bách khoa Hà Nội, với hành trình đi từ ý tưởng, phát triển sản phẩm đến thương mại hóa. Mục tiêu của cuộc thi nhằm tạo môi trường hỗ trợ học tập, nghiên cứu thông qua trải nghiệm sáng tạo của người học tại các trường đại học, qua đó thúc đẩy hoạt động sáng tạo khoa học kỹ thuật tạo ra các sản phẩm hữu ích trong cuộc sống. Bên cạnh đó, Sáng tạo trẻ cũng là diễn đàn chia sẻ, hỗ trợ và thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp giữa các trường đại học, doanh nghiệp và xã hội.
Cuộc thi do Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì, phối hợp với các tổ chức và doanh nghiệp, các trường đại học khối kỹ thuật và các đơn vị chuyên môn lần đầu vào năm 2017.
Tổng giá trị giải thưởng và hỗ trợ phát triển sản phẩm của cuộc thi năm nay lên đến 600 triệu đồng. Trải qua hành trình 8 tháng, cuộc thi thu hút 200 lượt sinh viên tham dự chương trình huấn luyện, thiết lập với 12 đề tài được tài trợ để phát triển thành sản phẩm trong Vòng Triển khai. Sau khi các vòng tranh tài kết thúc, 5 đội chơi tham gia Vòng Chung kết có thể nhận được hỗ trợ chi phí đầu tư và ươm tạo lên tới gần 250 triệu với mục đích tiếp tục phát triển sản phẩm để mang các đề tài thú vị này được ứng dụng thực tế.